Bánh truyền thống và những bài học hay


Đất nước đổi mới ngày một hiện đại, ẩm thực vì thế cũng ngày một phát triển hơn, nhiều loại thức ăn, đồ uống từ nước ngoài du nhập vào Việt Nam cũng ngày một nhiều, dần dần người ta quên đi những cái bánh truyền thống dân dã vừa ngon vừa rẻ được làm từ chính tay người bà, người mẹ, hay đơn giản là mua của dì ba, chú tư hàng xóm. Bánh truyền thống không những thơm ngon, đậm đà mà còn mang bên trong nó những câu chuyện hay, dạy ta cách sống tốt cũng như mang tính giáo dục khá cao.
Vậy bạn có muốn tìm hiểu rõ hơn về câu chuyện của những chiếc bánh truyền thống không? Ở đây mình sẽ chia sẻ cho bạn một vài sự tích hay nhé!

4 Sự tích hay về những chiếc bánh truyền thống:

1/ Sự tích bánh chưng, bánh giầy

Ngày xưa, đời Vua Hùng Vương thứ 6, sau khi đánh dẹp xong giặc Ân, vua có ý định truyền ngôi cho con.
Nhân dịp đầu Xuân, vua mới họp các hoàng tử lại, bảo rằng: "Con nào tìm được thức ăn ngon lành, để bày cỗ cho có ý nghĩa nhất, thì ta sẽ truyền ngôi vua cho".
Các hoàng tử đua nhau tìm kiếm của ngon vật lạ dâng lên cho vua cha, với hy vọng mình lấy được ngai vàng.

Trong khi đó, người con trai thứ 18 của Hùng Vương, là Tiết Liêu có tính tình hiền hậu, lối sống đạo đức, hiếu thảo với cha mẹ. Vì mẹ mất sớm, thiếu người chỉ vẽ, nên ông lo lắng không biết làm thế nào.

Một hôm, Tiết Liêu nằm mộng thấy có vị Thần đến bảo: "Này con, vật trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con hãy nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng hình Trời và Đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình Cha Mẹ sinh thành"

Tiết Liêu tỉnh dậy, vô cùng mừng rỡ. Ông làm theo lời Thần dặn, chọn gạo nếp thật tốt làm bánh vuông để tượng hình Đất, bỏ vào chõ chưng chín gọi là Bánh Chưng. Và ông giã xôi làm bánh tròn, để tượng hình Trời, gọi là Bánh Giầy. Còn lá xanh bọc ở ngoài và nhân ở trong ruột bánh là tượng hình cha mẹ yêu thương đùm bọc con cái.

Đến ngày hẹn, các hoàng tử đều đem thức ăn đến bày trên mâm cỗ. Ôi thôi, đủ cả sơn hào hải vị, nhiều món ngon lành. Hoàng tử Tiết Liêu thì chỉ có Bánh Giầy và Bánh Chưng. Vua Hùng Vương lấy làm lạ hỏi, thì Tiết Liêu đem chuyện Thần báo mộng kể, giải thích ý nghĩa của Bánh Giầy Bánh Chưng. Vua cha nếm thử, thấy bánh ngon, khen có ý nghĩa, bèn truyền ngôi Vua lại cho Tiết Liêu con trai thứ 18.

Kể từ đó, mỗi khi đến Tết Nguyên Đán, thì dân chúng làm bánh Chưng và bánh Giầy để dâng cúng Tổ Tiên và Trời Đất.


2/ Sự tích bánh ít

Sự tích bánh ít xưa kể lại rằng: khi ấy chàng Tiết Liêu – con trai của Vua Hùng thứ 6 đã thắng trong cuộc thi dâng lễ vật cúng đất trời là bánh chưng và bánh dày.

Nhà vua có một cô gái út vốn rất nhu mì, khéo léo trong công việc bếp núc. Khi nàng thử hương vị của hai loại bánh mà Tiết Liêu làm liền nảy ra sáng kiến làm nên kiểu bánh mới chứa đựng hương vị của cả bánh chưng và bánh dày. Nàng Út lấy chiếc bánh dày bọc lấy nhân của chiếc bánh chưng. Từ sự sáng tạo đã hình thành nên một thứ bánh mới rất hấp dẫn. Nàng Út đã quyết định phỏng theo hình dạng của bánh chưng và bánh dày để gói thành hai kiểu dáng khác nhau: một thứ dáng tròn không gói lá, giống như bánh dày, một thứ dùng lá gói kín thành dáng vuông giống như bánh chưng. Nhưng cả hai loại bánh này đều làm nhỏ lại để tỏ ý khiêm nhường với bậc út ít mà nàng đảm nhận.

Từ đó bánh của nàng Út được lưu truyền trong dân gian cùng với bánh chưng và bánh dày. Và để phân biệt với bánh của chàng Tiết Liêu, cũng là tỏ lòng ngợi ca nàng Út nên đông đảo dân chúng đã làm theo và gọi bánh này bằng chính cái tên của nàng Út là “ bánh nàng út ít”.

Theo dòng chảy của thời gian, “bánh nàng út ít” được cải tiến nhiều vẻ hơn, và tên "bánh nàng út ít" đã được rút ngắn thành “bánh ít” như hôm nay. Bánh ít đã đi vào ca dao điệu nhạc, thành điệu hát lý trong bài “Lý bánh ít”:


3/ Sự tích bánh trung thu

Một đêm trung thu, nhà vua Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi ăn bánh hồ đào và ngắm trăng. Nhà vua thấy tên bánh hồ đào nghe không lãng mạn nên mới gọi là bánh Nguyệt (bánh mặt trăng). Từ đó, bánh trung thu được gọi là bánh Nguyệt. Theo thời gian, nhân bánh đã được thay đổi để trở nên phong phú hơn. Người ta thường ăn bánh cùng với uống trà để giảm bớt vị ngọt, cùng thưởng thức với những người thân trong gia đình để cảm nhận tình thân ấm áp.



4/ Sự tích bánh tét

Vào mùa xuân Kỷ Dậu năm 1789, Nguyễn Huệ và quân ta đánh đuổi quân Thanh ra khỏi đất nước. Lúc bấy giờ quân lính được nghỉ ngơi, ăn Tết. Trong số quân lính có anh lính nọ được người nhà gửi cho món bánh làm từ gạo nếp, nhân đậu xanh, hình dạng như bánh tét ngày nay (tuy nhiên lúc bấy giờ chưa có tên gọi). Anh lính mang bánh mời vua Quang Trung.

Vua ăn thấy ngon bèn hỏi thăm về loại bánh này. Anh lính kể, bánh do người vợ ở quê nhà làm gửi cho. Mỗi lần ăn bánh, anh càng thương, càng nhớ vợ nhiều hơn. Anh mắc chứng đau bụng (có thể xem là đau dạ dày) nhưng khi ăn bánh này thì lại không thấy đau nữa.

Nghe câu chuyện cảm động của anh lính, vua bèn ra lệnh cho mọi người gói loại bánh này để ăn Tết và đặt tên là bánh Tết nhằm ghi nhớ chiến thắng giặc Thanh vào mùa xuân và thể hiện tình cảm gia đình thắm thiết mỗi độ xuân về. Đó được xem là nguồn gốc của bánh tét trong ngày Tết cổ truyền.




Quả là những sự tích hay và mang giá trị nhân văn cao đúng không các bạn? Vậy thông qua những sự tích trên bạn đã rút ra được những giá trị gì từ những chiếc bánh truyền thống? Kể thử mình nghe xem đúng không nhé! :)
Share on Google Plus

About Tee

0 nhận xét:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.